Mới đây, theo F&B Việt Nam – chuyên trang về kinh doanh ẩm thực, Highlands Coffee đã triển khai hàng loạt cabin mini bán đồ uống cạnh cách cây xăng. Cabin mini giúp chuỗi cà phê tiếp cận được lượng khách hàng thường xuyên đi lại – nhóm người dùng có nhu cầu tiêu thụ cà phê nhanh gọn nhưng chất lượng.
Đây không phải là lần đầu tiên Highlands Coffee triển khai mô hình cửa hàng take away (bán mang đi) như thế này. Thời điểm sau dịch COVID-19, giai đoạn giữa năm 2021, Highlands Coffee cũng âm thầm “xuống đường” với một chiếc xe đơn giản, pha chế đồ uống cạnh một số toà nhà văn phòng, khu vực đường đông đúc buổi sáng.
Thời điểm đó, menu (thực đơn) của những chiếc xe bán cà phê Highlands được rút gọn, phù hợp với tập khách hàng mua mang đi và giá thành cũng rẻ hơn so với sản phẩm bán tại cửa hàng do tối ưu được chi phí mặt bằng cùng nhân viên.
Tuy nhiên, mô hình này của Highlands Coffee không kéo dài được lâu. Hiện nay, các ki-ốt của Highlands Coffee gần như đã biến mất thay vào đó là thương hiệu liên tục mở cửa hàng trên nhiều tuyến đường, khu đông dân cư, sầm uất.
Thực tế, hai năm trở lại, Highlands Coffee theo đuổi con đường mở mới cửa hàng. Hãng đã mở tới 300 cửa hàng trong vòng 24 tháng trên toàn quốc, nâng tổng số điểm bán hiện tại lên 815, bỏ xa các đối thủ kinh doanh chuỗi.
Điển hình cho chiến lược này là tháng 11/2024, Highlands Coffee khai trương cửa hàng mới tại biểu tượng “Nụ hoa Atiso” khổng lồ nằm ở quảng trường Lâm Viên, Đà Lạt. Đây là cửa hàng thứ ba của hãng đặt tại Đà Lạt và là cơ sở thứ 5 tại Lâm Đồng.
Do đó, chiến lược quay trở lại các ki-ốt bán hàng cạnh cây xăng là một thông tin bất ngờ trên thị trường. Chúng tôi đang liên hệ với Highlands Coffee để bình luận về thông tin này.
Chuyên trang về ngành kinh doanh ẩm thực F&B Việt Nam đánh giá, đây là chiến lược thông minh, học hỏi từ thành công của Amazon Coffee tại Thái Lan, nơi chuỗi cửa hàng đặt trạm khắp các trạm dừng chân và cây xăng, thu về lượng lớn khách trung thành nhờ vị trí tiện lợi.
“Highlands Coffee đã tận dụng đúng điểm mạnh của mình là có độ phủ thương hiệu mạnh mẽ và hệ thống quản lý chất lượng đồng bộ”, kênh này cho hay.
So với việc mở cửa hàng truyền thống tại các mặt bằng đắt đỏ, cabin mini mang đến nhiều lợi thế hơn. Trong đó, chi phí đầu tư thấp hơn, linh hoạt hơn trong việc chọn vị trí và phục vụ nhanh gọn, đáp ứng nhu cầu mua mang đi.
Chuyên gia đánh giá mô hình này cho phép Highlands Coffee thâm nhập thị trường ngách, phục vụ khách hàng di chuyển mà không phải chịu áp lực về doanh thu từ bán hàng tại chỗ.
Tuy có nhiều ưu điểm, song chuyên gia ngành F&B lưu ý Highlands Coffee vẫn cần giải quyết những vấn đề cốt lõi để đảm bảo hiệu quả của mô hình kinh doanh này. Trong đó, duy trì đồng nhất chất lượng giữa các điểm bán là yếu tố then chốt. Ngoài ra, chuỗi cần đảm bảo trải nghiệm khách hàng, từ tốc độ phục vụ tới cảm giác quen thuộc khi thưởng thức sản phẩm. Và cuối cùng là cạnh tranh giá trị gia tăng, chẳng hạn các ưu đãi chỉ có tại các cabin xăng.
Nhìn sang mô hình tương tự tại Thái Lan có thể thấy Amazon Coffee đã rất thành công với hình thức kinh doanh này. Chuỗi cà phê có trụ sở tại Bangkok đang sở hữu 4.339 cửa hàng tại Thái Lan tính đến hết tháng 9/2024, trong đó 54% nằm tại các trạm xăng. Đây là chuỗi cà phê có độ phủ lớn nhất đất nước chùa tháp.
Theo dữ liệu bán hàng được Amazon Coffee công bố, chuỗi đã bán được 98 triệu tách cà phê trong quý III và 299 triệu tách cà phê trong 9 tháng đầu năm 2024 – cao hơn 8% so với cùng kỳ, và vượt mục tiêu một triệu tách mỗi ngày.
Amazon Coffee cũng đang điều hành 310 cửa hàng bên ngoài Thái Lan, hiện diện tại Đông Á và Trung Đông, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia và Việt Nam.