Thị trường bất động sản nhà ở đang đón nhận những tín hiệu khởi sắc lan tỏa khắp thị trường, từ những dự án mới rầm rộ khởi công đến sức mua tăng đột biến. Giữa những gam màu tươi sáng ấy, lãi suất thấp nổi lên như một “chìa khóa vàng”, mở ra cánh cửa bước vào chu kỳ tăng trưởng mới đầy hứa hẹn trong năm 2025.
Lãi suất vay mua nhà đa dạng, hấp dẫn “tiếp lửa” thị trường
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 2690/QĐ-NHNN quy định lãi suất hỗ trợ vay mua nhà ở 4,7%/năm. Đáng chú ý, việc 17 ngân hàng thương mại lớn đồng loạt tham gia chương trình này càng khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc “tiếp sức” cho thị trường, giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để sở hữu nhà ở.
Trên thực tế thị trường đang cho thấy một bức tranh lãi suất vay mua nhà khá đa dạng và hấp dẫn. Theo ghi nhận của Reatimes, từ đầu tháng 12, lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng thương mại dao động trong khoảng 4,5% – 9%/năm, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà tiếp cận vốn vay.
Cụ thể, VPBank đang áp dụng mức lãi suất khá cạnh tranh là 6,9%/năm cho vay mua nhà đất, căn hộ. Đối với vay xây dựng hoặc sửa chữa nhà cửa là 7,49%/năm. ABBank cũng đưa ra mức lãi suất hấp dẫn từ 7,3%/năm cho các khoản vay mua nhà.
Đặc biệt, một số ngân hàng còn áp dụng chính sách lãi suất cố định trong thời gian đầu, giúp khách hàng ổn định tài chính và dự trù chi phí. Đơn cử như MSB với lãi suất vay trung dài hạn mua bất động sản, xây sửa nhà, tiêu dùng, vay tái tài trợ, vay trả nợ ngân hàng khác cố định 4,5% trong 6 tháng đầu; 6,2% trong 12 tháng đầu; 7,5% trong 24 tháng đầu. Techcombank lãi suất vay mua nhà cố định 5% trong 3 tháng; 6,3% cố định trong 6 tháng; 6,7% cố định trong 12 tháng; 7,0% cố định trong 18 tháng; 7,5% cố định trong 24 tháng. Hay như MBBank các gói lãi suất vay mua bất động sản cố định 7,5% trong 6 tháng; 7,9% trong 12 tháng; 8,3% trong 18 tháng; 9% trong 24 tháng. Với các khoản vay trên 5 tỷ lãi suất giảm thêm 0,5%.
Chính sự cạnh tranh giữa các ngân hàng cùng với những chính sách hỗ trợ lãi suất đã và đang góp phần “thổi lửa” cho thị trường bất động sản, thúc đẩy nhu cầu mua nhà và tạo động lực cho sự phát triển của thị trường.
Theo giới phân tích, đây thực sự là một “liều thuốc bổ” tác động mạnh mẽ đến thị trường theo nhiều hướng.
Thứ nhất, thúc đẩy nhu cầu nhà ở thực. Lãi suất vay mua nhà ở ưu đãi 4,7%/năm, thấp hơn so với lãi suất cho vay thương mại thông thường, sẽ giúp giảm đáng kể gánh nặng tài chính cho người vay, đặc biệt là người mua nhà lần đầu, người có thu nhập thấp và trung bình. Điều này sẽ kích thích nhu cầu nhà ở thực, thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh và bền vững.
Thứ hai, tăng khả năng tiếp cận vốn. Với lãi suất vay ưu đãi, người dân sẽ dễ dàng tiếp cận các khoản vay mua nhà hơn. Các ngân hàng thương mại cũng được khuyến khích cho vay hỗ trợ nhà ở, góp phần tăng nguồn cung vốn cho thị trường.
Thứ ba là hỗ trợ thị trường phục hồi, việc giảm lãi suất kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi chung của thị trường, tăng thanh khoản và tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Số liệu từ MBS Research đã chứng minh rõ điều này, tỷ lệ tăng trưởng giá trị trả trước của người mua nhà đạt mức cao kỷ lục trong quý III/2024, lên đến 197.348 tỷ đồng (+45,4% so với cùng kỳ năm trước). Rõ ràng, lãi suất thấp đang thổi luồng sinh khí mới vào thị trường bất động sản, thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng.
4 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng thị trường
Mặc dù, lãi suất thấp được xem là một trong những yếu tố góp phần tạo nên sự khởi sắc cho thị trường nhà ở trong năm 2025. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, lãi suất thấp chỉ là một “mảnh ghép” trong bức tranh toàn cảnh, để thị trường nhà ở thực sự cân bằng và bền vững trong năm 2025, cần có sự tác động đồng bộ của nhiều yếu tố khác.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá cao việc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước quyết tâm hỗ trợ người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở thông qua lãi suất vay ưu đãi 4,7%/năm. Tuy nhiên, ông Hiếu cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, với mức giá nhà ở xã hội hiện nay, lãi suất này vẫn chưa thực sự “dễ thở” với đại đa số người dân.
“Vấn đề nằm ở chỗ, nguồn cung nhà ở xã hội đang rất khan hiếm, khiến giá nhà ở xã hội thứ cấp bị đẩy lên cao, thậm chí ngang ngửa với chung cư thương mại. Người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp vốn trông chờ vào nhà ở xã hội lại càng khó với tới. Đơn cử, một người lao động có thu nhập 10 triệu đồng/tháng, khả năng trả nợ vay mua nhà chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, giá nhà ở xã hội hiện nay vẫn ở mức cao vào khoảng 2 tỷ đồng, dù vay ngân hàng 80%, có giảm lãi suất thì số tiền phải trả hàng tháng vẫn là một gánh nặng với họ“, TS. Hiếu cho hay.
Chính vì vậy, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, cần có những chính sách mạnh mẽ hơn nữa để giảm lãi suất vay mua nhà ở xã hội, đồng thời tăng nguồn cung nhà ở xã hội, giúp người dân thực sự được hưởng lợi và an cư lạc nghiệp.
Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset dự báo thị trường nhà ở trong năm 2025 sẽ tăng trưởng dựa trên 4 yếu tố chính:
Thứ nhất, nhu cầu ở thực vẫn rất bền vững, đặc biệt tập trung vào phân khúc căn hộ trung cấp. Người mua nhà sẽ ưu tiên lựa chọn những dự án của chủ đầu tư uy tín, có pháp lý minh bạch, vị trí thuận lợi, kết nối hạ tầng tốt và chú trọng đến các dịch vụ hậu mãi như bàn giao sổ hồng nhanh chóng.
Thứ hai, sau giai đoạn trầm lắng, nhu cầu đầu tư bất động sản sẽ dần phục hồi, tập trung vào những sản phẩm có vị trí đắc địa, hạ tầng phát triển.
Thứ ba, nguồn cung sơ cấp sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ Luật Đất đai 2024 đã tháo gỡ nhiều vướng mắc pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án mới được triển khai và những dự án trước đó bị tạm dừng được tiếp tục. Niềm tin của chủ đầu tư vào thị trường cũng được củng cố, thúc đẩy họ mạnh dạn ra mắt dự án mới.
Thứ tư, niềm tin của người mua nhà sẽ được cải thiện nhờ thị trường bất động sản nói chung đang trên đà phục hồi, lãi suất thế chấp ổn định và việc đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trọng điểm.
17 ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ lãi suất vay mua nhà ở:
Dưới đây là các ngân hàng thương mại áp dụng lãi suất ưu đãi 4,7%/năm theo Quyết định 2690/QĐ-NHNN:
- Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
- Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)
- Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank)
- Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)
- Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB)
- Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank)
- Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)
- Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)
- Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVcomBank)
- Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)
- Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank)
- Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)
- Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank)
- Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB)
- Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB)
- Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
- Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)
Nguyên tắc cho vay mua nhà ở năm 2025
Việc cho vay hỗ trợ nhà ở năm 2025 phải đảm bảo các nguyên tắc theo quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN (sửa đổi bởi Thông tư 25/2016/TT-NHNN):
- Tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước: Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn để hỗ trợ các ngân hàng thương mại cho vay. Thời gian giải ngân tối đa không vượt quá 36 tháng kể từ ngày Thông tư 11/2013/TT-NHNN có hiệu lực.
- Đối tượng áp dụng:
- Cá nhân, hộ gia đình mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
- Khách hàng mua, thuê nhà ở thương mại hoặc cải tạo, xây mới nhà ở.
- Nguyên tắc giải ngân:
- Thời gian giải ngân tối đa đến hết ngày 31.12.2016 đối với các khách hàng thuộc diện được hỗ trợ theo Thông tư 11/2013/TT-NHNN.
- Doanh nghiệp chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội hoặc chuyển đổi công năng dự án được hỗ trợ vay tối đa 30% nguồn tái cấp vốn.
Theo REATimes